Chiến tranh với nước Triệu Yên vương Hỉ

Yên vương Hỷ dùng Lật Phúc làm tướng quốc. Nước Triệu vừa thất bại trước Tần trong trận Trường Bình, 40 vạn quân Triệu bị giết nên bị suy yếu. Năm 251 TCN, ông sai Lật Phúc đi sứ nước Triệu, tặng Triệu Hiếu Thành vương 500 lạng vàng để kết liên minh cùng chống Tần. Khi trở về, Lật Phúc khuyên ông nên đánh chiếm nước Triệu vì trai tráng nước Triệu đã chết gần hết trong trận Trường Bình, chỉ còn trẻ con và người già yếu.

Yên vương Hỷ mang việc đó hỏi Nhạc Gian (con Nhạc Nghị). Nhạc Gian phản đối, vì cho rằng nước Triệu nằm giữa thiên hạ, luôn phải phòng bị nên dân nước này quen việc chiến tranh, không thể đánh được. Yên vương Hỷ không nghe Nhạc Gian, chia quân làm 2 đường, sai Lật Phúc tấn công đất Cao[3], còn Khánh Tần và Nhạc Gian đánh đất Đại[4].

Nước Triệu sai Liêm Pha và Nhạc Thừa ra chống cự. Liêm Pha đánh tan quân Yên, giết chết Lật Phúc, còn Nhạc Thừa cũng phá Khánh Tần ở đất Đại, bắt sống Khánh Tần và Nhạc Gian.

Năm 250 TCN, quân Triệu thừa thắng tiến sang đất Yên. Liêm Pha truy đuổi 500 dặm, tiến vào nước Yên, vây hãm kinh đô Kế thành. Yên vương Hỷ sợ hãi, cử Tương Cừ làm tướng quốc mới, ra điều đình với quân Triệu. Tương Cừ nói với Liêm Pha xin giảng hòa, Liêm Pha mới rút quân.

Năm 249 TCN, Triệu Hiếu Thành vương lại sai Nhạc Thừa vây đánh nước Yên. Sang năm 248 TCN, vua Triệu lại sai Nhạc Thừa đánh Yên, và đến năm sau lại hợp binh với nước Ngụy cùng đánh Yên. Yên vương Hỷ phải cắt đất xin giảng hòa, quân Triệu mới rút lui.

Năm 247 TCN, Yên vương Hỷ và Triệu Hiếu Thành vương đổi đất cho nhau: Yên giao cho Triệu đất Cát, Vũ Dương và Bình Thư, còn Triệu giao cho Yên đất Long Đoái, Phân Môn, Lân Nhạc[5].

Năm 243 TCN, nước Yên lại bị Triệu tấn công. Tướng Lý Mục của Triệu chiếm đất Vũ Toại và Phương Thành nước Yên.

Năm 242 TCN, Yên vương Hỷ dùng người nước Triệu là Kịch Tân làm tướng. Kịch Tân đề nghị ông đánh Triệu, vì Liêm Pha đã bị cách chức, bỏ nước Triệu sang nước Sở. Yên vương Hỷ nghe theo, sai Kịch Tân cầm quân đánh Triệu. Tướng Triệu là Bàng Noãn mang quân ra chống Yên. Quân yên lại bại trận, bị giết 2 vạn người, bản thân tướng Kịch Tân bị bắt và bị giết[1].

Năm 236 TCN, quân Triệu lại sang đánh Yên, chiếm thành Ly Dương. Nước Yên liên tiếp thua trận và mất đất, ngày một suy yếu.